Hội ND Thừa Thiên – Huế: Đẩy mạnh hoạt động, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân

Thời gian qua, các cấp Hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tập trung vào công tác tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống.

Thời gian qua, các cấp Hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tập trung vào công tác tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống.

Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh Hội chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và HTND tuyển sinh và khai giảng được 3 lớp dạy nghề cho 87 lao động nông thôn gồm 01 lớp may công nghiệp cho 25 học viên và 02 lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh gà, lợn tại xã Hương Phong, thị xã Hương Trà và xã Hồng Hạ, huyện A Lưới cho 62 học viên.

Đồng thời tuyển sinh 4 lớp đào tạo nghề, trong đó có lớp nuôi cá nước ngọt tại thị trấn Phú Đa, 02 lớp chăn nuôi và phòng bệnh gà, lợn tại xã Hồng Vân và A Ngo huyện A Lưới, 01 lớp trồng và chăm sóc hoa cây cảnh tại xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà; Tham gia “Ngày hội tuyển sinh học nghề, tuyển dụng lao động và ký kết hợp đồng lao động đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên – Huế năm 2018” do Sở Lao động-TBXH tỉnh tổ chức.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn trực tiếp tổ chức 48 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 2.400 lượt người tham gia; xây dựng các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, xây dựng các Câu lạc bộ khuyến nông, Câu lạc bộ cây cảnh… tư vấn cho nông dân mua hàng trăm máy móc phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Tổ chức cho nông dân tham quan chuổi sản xuất đến tiêu thụ của tập đoàn Quế Lâm; Hỗ trợ nông dân hàng nghìn cây giống bưởi da xanh và ổi, sản xuất theo quy trình hướng dẫn của công ty Quế Lâm; Tổ chức tuyên truyền cho hàng trăm hội viên nông dân đi xuất khẩu lao động.

Song song với công tác đào tạo nghề, các cấp Hội còn phối hợp với Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh quản lý và cho vay Quỹ HTND; theo dõi, giám sát hoạt động nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua ngân hàng CSXH tỉnh; phối hợp với ngân hàng NN và PTNT cho nông dân vay phát triển sản xuất theo Nghị định 55 của Chính phủ.

Đến nay, các cấp Hội đã bổ sung nguồn vốn Quỹ HTND được 2,4 tỷ đồng, đạt 80% chỉ tiêu giao. Nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh đang quản lý là 23,575 tỷ đồng, với 72 dự án vay, 676 lượt hộ vay. Trong đó, nguồn quỹ HTND do TW Hội cấp 9,290 tỷ đồng; UBND tỉnh cấp 8,5 tỷ đồng; Quỹ HTND các huyện, thị, thành phố 5,052 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, các cấp Hội đã xây dựng được hàng chục mô hình: Nuôi lợn nái, trâu, bò sinh sản, dê, cá lồng, nuôi xen ghép, trồng cây ăn quả, tiêu … có hiệu quả kinh tế cao; tổ chức 51 hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất. Qua đó, giúp bà con xây dựng được 29 mô hình tổ, nhóm hợp tác sản xuất cùng ngành hàng. Đồng thời, các cấp Hội có thêm điều kiện để tập hợp nông dân vào tổ chức.

Tính đến ngày 31/8/2018, Hội đã phối hợp với ngân hàng CSXH giải ngân 756,684 tỷ đồng cho 28.172 hộ vay tại 757 tổ TKVV; dư nợ tín dụng với ngân hàng NN&PTNT đạt 47,047 tỷ đồng cho 900 hộ hội viên, nông dân vay tại 66 tổ vay vốn.

Thực hiện Kế hoạch 62/KH-UBND ngày 22/3/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2018, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Sở Khoa học công nghệ tỉnh thực hiện Dự án: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sen Huế”.

Theo đó, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố Huế tiến hành khảo sát tình hình trồng sen trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá thực trạng trồng sen, khả năng mở rộng diện tích trồng sen, nhu cầu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về sen tại các địa phương; giúp hội viên nông dân mở rộng vùng nguyên liệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan được tăng cường và đạt hiệu quả. Đến nay, tỉnh Hội đã ký chương trình phối hợp hoạt động với 16 sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; 9/9 huyện- thị- thành Hội ký Quy chế phối hợp với UBND cùng cấp, chương trình phối hợp với các ban ngành liên quan để tổ chức các hoạt động gắn với Chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Tại Hội Nông dân cấp cơ sở, có hơn 70% đơn vị đã ký Quy chế phối hợp hoạt động với UBND cùng cấp.

Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2018-2023, ngay từ đầu năm có 63.380 hộ hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, đạt 124,6% kế hoạch đề ra. Các cấp Hội đã vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và đóng góp của hội viên, nông dân về cây con, giống, ngày công lao động: với tổng số tiền 493,9 triệu đồng, 3.496 ngày công, xóa được 08 nhà tạm; giúp 834 hội viên, nông dân nghèo có điều kiện sản xuất, thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Tiếp tục triển khai kế hoạch giúp hộ nghèo xã A Roàng huyện A Lưới năm 2018 theo phân công giúp đỡ xã nghèo của UBND tỉnh giai đoạn 2017-2020. Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành hai hoạt động giúp đỡ xã nghèo A Roàng thông qua tổ chức 01 lớp đào tạo nghề làm tăm hương cho 30 hội viên nông dân, mở 02 lớp tập huấn chăm sóc cây cao su và cạo mủ cao su với 140 học viên, hỗ trợ 20 bộ dụng cụ cho 20 hộ hội viên nông dân trực tiếp thực hiện làm nghề để nhân rộng trên địa bàn xã, với tổng kinh phí hơn 30 triệu đồng từ nguồn kinh phí vận động cán bộ, hội viên nông dân SXKD giỏi toàn tỉnh đóng góp, ủng hộ giúp đỡ hội viên nghèo.

Các cấp Hội tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển nông nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 795 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 – 2020; đồng thời hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, liên kết trong SXKD, xây dựng 29 mô hình trình diễn để nhân rộng mô hình SXKD có hiệu quả; triển khai khảo sát và hướng dẫn các nhóm hợp tác tiến tới thành lập tổ hợp tác nuôi cá ở thị trấn Phú Đa,Vinh Thái huyện Phú Vang; Lộc Bổn, Lộc Sơn huyện Phú Lộc; tổ hợp tác trồng thanh trà ở Phong Thu, nuôi ong ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền.

Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nông dân; hướng dẫn, tư vấn giúp hội viên, nông dân nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, hỗ trợ về vốn; kiến thức về kinh tế, thị trường, quản lý kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *