Năm 2018, huyện Na Rì trồng được hơn 500ha dong riềng. Hiện người dân đang vào vụ thu hoạch dong, năng suất và chất lượng củ dự ước đạt cao, tuy nhiên giá thu mua thấp hơn so với năm 2017.

Gia đình ông Nông Văn Thắng, thôn Khau Pần, xã Cư Lễ thu hoạch dong củ cho hợp tác xã Tài Hoan

Ông Nông Văn Thắng, thôn Khau Pần, xã Cư Lễ trồng hơn 600m2 dong. Vụ năm 2017, gia đình thu được 4 tấn củ từ diện tích này, giá củ đạt từ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Năm 2018, gia đình ông đã ký hợp đồng tiêu thụ với Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh. Theo ông Thắng, giá khởi điểm đầu vụ năm nay là 1.200 đồng/kg, thấp hơn so với năm 2017. Mặc dù so với ngô, lúa thu nhập từ trồng dong cao hơn nhưng lại tốn nhiều công sức, đặc biệt là khâu vận chuyển. Bà con đang hy vọng những ngày tới giá sẽ tăng hơn.

Năm 2017, huyện Na Rì trồng được hơn 450ha dong riềng, sản lượng đạt khoảng trên 30.000 tấn, đem lạ giá trị kinh tế trên 40 tỷ đồng. Năm 2018, toàn huyện trồng được hơn 500ha dong. Hiện nay, bắt đầu vào vụ thu hoạch, theo đánh giá của ngành chuyên môn, năng suất và chất lượng củ dong năm nay cao hơn năm trước, do diện tích tăng và nhiều hộ thực hiện kỹ thuật trồng dong riềng lên luống. Hiện nay, các cơ sở chế biến bột, miến dong bắt đầu bước vào vụ thu mua, chế biến củ dong cho người dân.

Ông Nông Văn Chính- chủ Cơ sở sản xuất miến dong Chính Tuyển, thôn Lủng Vạng, xã Côn Minh, Hội trưởng Hội Dong riềng huyện Na Rì cho biết: Ngay khi vào vụ trồng dong riềng, các cơ sở sản xuất, chế biến đã chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân; đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất, đáp ứng công suất máy móc cũng như nhu cầu thị trường. Nhận định về giá dong thấp hơn so với năm 2017, ông Nông Văn Chính cho rằng: Việc tiêu thụ dong riềng và sản phẩm miến dong trên địa bàn huyện vẫn phụ thuộc vào những cơ sở bán buôn, bán lẻ ở trong tỉnh và một số tỉnh ngoài. Nếu năm trước các đầu mối nói trên tích trữ số lượng bột lớn thì năm sau nhu cầu thu mua sẽ giảm, đồng nghĩa với việc giá sẽ giảm theo… Mặt khác do các cơ sở sản xuất, chế biến hiện nay chưa mở rộng được thêm nhiều thị trường.

Cơ sở Chính Tuyển mỗi năm tiêu thụ cho bà con khoảng 2.400 tấn củ dong, giá thu mua tại xưởng là 1.400 đồng/kg và 1.200 đồng/kg tại vườn. Theo ông Chính, Hội Dong riềng có 28 thành viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến bột, miến dong. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường, các đầu mối tiêu thụ còn hạn chế…

Cơ sở miến dong Chính Tuyển, mỗi năm sản xuất khoảng 3 tấn tinh bột dong, tương đương tiêu thụ cho người trồng dong riềng khoảng 2.400 tấn củ.

Cơ sở miến dong Chính Tuyển mỗi năm sản xuất khoảng 3 tấn tinh bột dong, tương đương tiêu thụ khoảng 2.400 tấn củ dong.

Hợp tác xã miến dong Tài Hoan cũng là một trong những cơ sở tiêu thụ lượng dong riềng khá lớn cho người dân huyện Na Rì. Năm 2017, cơ sở tiêu thụ trên 1.500 tấn củ dong riềng; sản xuất trên 225 tấn bột và khoảng 100 tấn miến dong. Hiện nay, HTX có khoảng hơn 20 điểm giao hàng bán buôn, bán lẻ miến dong trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ dong riềng với các hộ dân 5 xã: Cư Lễ, Hảo Nghĩa, Quang Phong, Đổng Xá và Côn Minh. HTX luôn thực hiện nghiêm túc việc hợp đồng với những hộ trồng dong riềng, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho bà con.

Đồng chí Phạm Ngọc Thịnh- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho biết: Trên cơ sở diện tích dong riềng đã trồng của người dân, UBND huyện đã sớm chỉ đạo các cơ sở tuân thủ thời vụ sản xuất, tiến hành chế biến bột và miến. Thời vụ thu hoạch dong riềng được bắt đầu từ 10/10 (Dương lịch), kéo dài trong khoảng 120 ngày thì kết thúc. Khó khăn chung mà các cơ sở chế biến tinh bột và miến dong trên địa bàn huyện là thiếu vốn nâng cấp; vốn thu mua nguyên liệu… Những năm tiếp theo, huyện Na Rì tiếp tục mở rộng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, tích cực quảng bá sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nhân dân./.

Tùng Vân

Nguồn “Báo Bắc Kạn”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *