ĐỘNG NHỊ THANH – CHÙA TAM GIÁO

Là một điểm di tích nằm trong quần thể di tích danh thắng Nhị-Tam Thanh – Núi Tô Thị – Thành Nhà Mạc, động Nhị Thanh cách ngã 6 Pò Soài khoảng 200m, đi theo đường Nhị Thanh.

Động Nhị Thanh được danh nhân Ngô Thì Sỹ khám phá và tôn tạo khi ông làm Quan Đốc Trấn Lạng Sơn từ năm 1777 – 1780. Ông đã có công lao to lớn trong việc mở mang ruộng đất, yên ổn dân sinh và xây dựng Lạng Sơn thành khu thương mại sầm uất. Trong thời gian ngao du sơn thuỷ trong vùng Ông đã phát hiện ra động Nhị Thanh và cho hưng công xây dựng chùa Tam Giáo, Đình duyệt Quân, Thạch Miên Am, Thụy Tuyền Hiên, Trai Táo. Ngô Thì Sỹ là người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Khi đỗ đạt làm Quan, để tưởng nhớ đến quê hương, Ông đã dùng hai chữ Thanh của quê hương đặt cho tên hiệu của mình là: Nhị Thanh cư sĩ và sau này khi phát hiện ra động Nhị Thanh, Ông đã dùng chính tên hiệu của mình đặt tên cho động là Động Nhị Thanh.

Phía bên phải động Nhị Thanh là Chùa Tam Giáo được Ngô Thì Sỹ hưng công xây dựng năm Kỷ Hợi (1779) thờ Nho Giáo, Đạo Giáo và Phật Giáo (tam giáo đồng nguyên). Hiện nay trong chùa có các cung thờ như: Cung Công Đồng, Cung Tam Tòa Thánh Mẫu, Cung Sơn Trang, Cung Tam Bảo… với hệ thống tượng thờ khá phong phú.

Bên trái chùa Tam Giáo là đường vào động Nhị Thanh, nơi có suối Ngọc Tuyền trong vắt chảy xuyên lòng động với độ dài khoảng 600m, phần đọng lại trước cửa động tạo thành Ao Nhất Bích thơ mộng.

Đỉnh vòm động Nhị Thanh là bức tượng danh nhân Ngô Thì Sỹ được tạc vào vách đá tựa như đang vãn cảnh. Trên vách đá của động là hệ thống bia Ma Nhai lưu bút tích của các thế hệ danh nhân với nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên và con người Xứ Lạng, ghi lại việc phát hiện tạo dựng động Nhị Thanh và chùa Tam Giáo của các bậc tiền nhân. Đi thêm khoảng 100m, qua 2 chiếc cầu bắc qua những khúc suối quanh co đã mở ra một không gian rộng lớn với nóc hang cao vút, có một thác nước đổ xuống theo khe đá hoà nhập cùng với suối Ngọc Tuyền chảy ngầm dưới nền động tạo nên những âm thanh huyền bí. Ở đây còn có một khoảng đất rộng gọi là “sân khấu”, có ánh sáng từ cửa Thông Thiên rọi chiếu thật huyền ảo. Tại “sân khấu” này, xưa kia Ngô Thì Sĩ đã từng mở tiệc thết đãi và thưởng thức các chương trình thơ ca, đàn hát…Đi tiếp vào trong, sẽ đến “vườn thạch nhũ” với nhiều cột đá đứng bên mép suối đỡ lấy trần hang, nhiều nhũ đá rủ, mầm đá cao thấp như những bức rèm lớn vắt lên hai bên thành động, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ. Đi sâu vào động, qua 3 cây cầu là đến cổng sau thông ra bên ngoài. Từ cửa sau của động Nhị Thanh, du khách có thể quan sát thấy cửa động Tam Thanh có đường đi bộ từ cổng sau Nhị Thanh sang động Tam Thanh với khoảng cách là 500m.

Là một danh thắng thiên tạo kỳ vĩ cùng với chùa Tam Giáo linh thiêng và hệ thống bia ma nhai phong phú, hy vọng động Nhị Thanh sẽ thỏa mãn nhu cầu vãn cảnh, nhu cầu tâm linh và nghiên cứu khoa học của đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *